Tình hình hưu trí ở Việt Nam

Ở Việt Nam, từ hai mươi năm nay, tuổi thọ cũng tăng rất nhanh: 64,8 vào năm 1990, 69,2 vào năm 2001 và 71,07 vào năm 2007 (nam: 68,27, nữ: 74,08). Phụ nữ Việt Nam ngày càng đẻ ít: bình quân 6 con vào năm 1960, 2,33 con vào năm 2001, và 1,93 con vào năm 2010. Nếu vào năm 2001, số người trên 60 tuổi chỉ chiếm 7%, thì theo dự báo của Liên hiệp quốc, tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên 13%, tức gần gấp đôi, vào năm 2025 và 24% vào năm 2050, tức gấp gần 3,5 lần.

Các biến chuyển trên đang đe doạ nghiêm trọng sự thăng bằng thu chi của hệ thống hưu trí Việt Nam.
Được lập năm 1962 ở miền Bắc, quỹ hưu trí trước đây hoàn toàn do Nhà nước quản lý và tài trợ. Sau các cải cách kinh tế từ cuối những năm 1980, một hệ thống hưu trí mới dựa trên sự phân chia (PAYG) được thành lập năm 1995 và do tổ chức bảo hiểm xã hội (BHXH) quản lý, là một trong năm “chế độ” của hệ thống BHXH Việt Nam.

Theo Luật BHXH 2007, nam được về hưu ở tuổi 60 và nữ ở tuổi 55. Nhưng những người phải làm “nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được quyền về hưu sớm hơn năm năm cho nam cũng như cho nữ. Chẳng những thế, những người bị “suy giảm khả năng lao động” có thể về hưu sớm hơn nữa: ở tuổi 45 cho nữ và ở tuổi 50 cho nam.

Trong cuộc hội thảo tổ chức tại TPHCM hai ngày 10 và 11-3 vừa qua, ông Lê Bạch Hồng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ước tính do điều kiện nghỉ hưu trước tuổi quá rộng, số người nghỉ hưu trước tuổi hiện nay chiếm đến 60%! Kết quả là nếu đạt được tuổi thọ trung bình, nhiều người có thể lãnh lương hưu trong 20, thậm chí 30 năm. Thế mà, cũng theo ông Lê Bạch Hồng, với tỷ lệ, mức đóng BHXH và lãi suất như hiện nay thì chỉ năm năm sau khi nghỉ hưu, người lao động đã nhận hết số tiền đã đóng.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưu trí, tỷ lệ người đóng BHXH/người hưu trí giảm xuống 34 vào năm 2000 và chỉ còn 10,7 vào năm 2010.

Cũng trong cuộc hội thảo nói trên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết trong năm 2010 có 9,343 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 61.689 người tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy có thể ước tính số người lãnh lương hưu ở Việt Nam hiện nay khoảng 870.000 người (9.343.000:10,7). Trong khi đó, có khoảng 7,7 triệu người trên 60 tuổi (chiếm 9% dân số), mà đa số là nông dân. Như vậy, trong số những người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 12% được lãnh lương hưu. Điều đó cho thấy việc thành lập một hệ thống hưu trí phổ cập như ở Pháp là rất xa vời!

Qua đó, ta thấy Luật BHXH 2007 dường như đã quá lỗi thời. Rõ ràng là cần phải có một đạo luật mới phù hợp với các biến đổi dân số, đồng thời phải thực sự công bằng, không phân biệt nam nữ, quan tâm đến quyền lợi của mọi tầng lớp xã hội, nhất là nông dân hiện vẫn chiếm đến hơn 60% dân số nhưng vẫn chưa có điều kiện tham gia vào hệ thống BHXH, đặc biệt về y tế và hưu trí.

Đạo luật mới này nên quy định lại số năm đi làm để được hưởng hưu trí toàn phần, tuổi hưu trí hợp pháp, biện pháp điều chỉnh lương hưu (theo chỉ số giá sinh hoạt chứ không tăng theo lương tối thiểu)...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét