Australia: Cấm trẻ dưới 2 tuổi xem tivi

Theo chính sách được thảo lược gần đây nhất của Chính phủ Australia, trẻ em dưới 2 tuổi nên bị cấm xem ti vi để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Trong chính sách thảo lược, các chuyên gia sức khoẻ cho rằng cho trẻ xem ti vi quá sớm có thể khiến trẻ không phát triển được khả năng ngôn ngữ cũng như ảnh hưởng đến khả năng tập trung và gây béo phì ở trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ.
Bản thảo lược cũng gợi ý rằng trẻ từ 2 đến 5 tuổi chỉ nên xem ti vi 1 giờ/ ngày. Các bậc cha mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình nên có các biện pháp hạn chế trẻ xem ti vi cũng như xem các loại đĩa phim nhạc.
Theo thống kê của các nhà chức trách, ở Australia, trẻ 4 tháng tuổi trung bình một ngày đã xem ti vi khoảng 44 phút. Trong khi đó, trẻ từ 4 tuổi trở xuống có thể ngồi chăm chăm vào màn hình ti vi hàng giờ và hiện có nhiều em “dán mắt” vào ti vi ít nhất 3 giờ/ ngày.
Bản thảo lược nhằm mục đích bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trẻ nhỏ nhưng cũng có tác dụng như một lời khuyên bổ ích với các bậc cha mẹ.
Đây cũng có thể coi là một trong những biện pháp tránh gia tăng tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ. Bởi lẽ, hiện nay ở Australia có 6 -8 % trẻ em đến tuổi đi học bị thừa cân béo phì. Không chỉ có vậy, rất nhiều em mới ở độ tuổi 1 – 5 tuổi thôi nhưng cũng đã rơi vào tình cảnh có thân hình quá khổ.
Một tờ báo của Australia trích lược thông tin cấm trẻ em dưới 2 tuổi xem ti vi: “Dựa trên những nghiên cứu gần đây nhất, Chính phủ đề nghị người lớn không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem tivi hoặc sử dụng những phương tiện truyền thông điện tử (đĩa nhạc, máy tính và các trò chơi điện tử khác)…
 Thời gian ngồi trước màn hình có thể khiến trẻ giảm thời gian chạy nhảy năng động cũng như giao tiếp xã hội thông thường khác. Và chính những lý do này khiến cho trẻ mất dần các cơ hội phát triển ngôn ngữ…
Ngoài ra, xem ti vi nhiều có thể ảnh hưởng đến giác quan của trẻ, ảnh hưởng đến các động tác di chuyển của mắt trẻ. Không những vậy, ngồi quá lâu trước màn hình ti vi còn làm giảm tính tập trung của các bé”.
Chính phủ Australia khuyến cáo cha mẹ nên có chế độ hoạt động, tập luyện và ăn uống hợp lý để trẻ tránh được tình trạng béo phì ngay từ thời thơ ấu. Các chuyên gia sức khoẻ cũng tỏ ra kiên quyết phản đối việc bố mẹ cho con xem ti vi quá nhiều. Tất cả các nhà chức trách đều hướng đến mục đích vì sức khoẻ các bé, vì tương lai của một thế hệ sau này.
Theo Suckhoegiadinh.org tổng hợp

Mẹ chồng thời hiện đại

Mối quan hệ định mệnh
Nói chung mọi thành viên trong một gia đình đều gắn bó với nhau trên hai cơ sở quan hệ huyết thống và quan hệ lựa chọn. Nhưng mẹ chồng - nàng dâu không phải lựa chọn nhau mà do người con trai tự tìm người yêu và phần lớn cha mẹ chỉ làm nhiệm vụ "duyệt". Có người hài hước nói "thời nay con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy". Cho nên nếu có sự không hoà hợp giữa mẹ chồng với nàng dâu thì đó cũng là chuyện không có gì lạ.

Thời kỳ đổi mới hiện nay có nhiều cái mới mà thời trước không có nên làm mẹ chồng sẽ bỡ ngỡ hơn vì không thể dập khuôn theo hình mẫu của mẹ chồng ngày trước.

Không ít bà mẹ chồng thường lấy tấm gương đi làm dâu của mình cho con dâu noi theo. Nhiều bà thường kể "Ngày xưa tôi đi làm dâu phải thế này, thế nọ...". Nhưng thực ra, thế hệ nàng dâu ngày trước nói chung về nhà chồng thường với hai bàn tay trắng, chỉ có một ít tư trang không đáng kể. Cho nên họ phụ thuộc nhiều vào gia đình chồng.

Tất cả từ tư liệu sản xuất đến đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều của nhà chồng. Bà cho con dâu mượn từ căn buồng đến giường chiếu, nồi niêu xoong chảo, thậm chí cho "mượn" cả con trai bà để làm chồng. Vì thế mẹ chồng toàn quyền quyết định, nói thế nào nàng dâu cũng phải nghe. Thời ấy có câu ca "Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói".

Mẹ chồng thời hiện đại

Nhưng ngày nay tư thế người con dâu đã khác hơn. Nói chung bây giờ con cái lấy chồng muộn vì thế khi kết hôn họ đã ổn định công ăn việc làm, có tiền lương trong ví, nhiều người có tài sản đáng kể. Họ gia nhập vào gia đình nhà chồng khi đã trưởng thành, vừa phải chăm lo gia đình nhà chồng lại vừa phải quan tâm đến cha mẹ đẻ của họ vì bây giờ trách nhiệm cũng như quyền thừa kế của con trai, con gái bình đẳng như nhau. 

Chính vì thế mẹ chồng ngày nay không thể đối xử với con dâu như những mẹ chồng trước kia. Đa số mẹ chồng thời hiện đại ở tuổi sắp hoặc đã về hưu cũng có những thú vui của các bà và coi nhiệm vụ chăm sóc chồng mình là quan trọng. 


Nhiều bà bây giờ mới có thời gian nghĩ đến mình, quan tâm đến sức khoẻ của mình và cùng chồng hưởng chuỗi ngày tuổi già thư thái. Việc chăm nom giúp đỡ con cháu chỉ trong chừng mực nào đó, còn thời gian để xem sách báo, ti-vi, nghe nhạc, tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, yoga, sinh hoạt tổ thơ hoặc đi khiêu vũ, tham quan du lịch. 


Trong một cuộc khảo sát về nguyện vọng của các đôi vợ chồng trẻ, nhiều đôi muốn được sống riêng nếu có điều kiện, nhưng họ vẫn có trách nhiệm chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của cả hai bên cha mẹ già yếu mà ta thường gọi là "tứ thân phụ mẫu".


Nhiều bà mẹ chồng hiện đại nay sẵn sàng cho con cái sống riêng nếu chúng muốn. Có lẽ chỉ trừ những bà quá ốm yếu cần có con cái ở bên để chăm sóc hàng ngày. Nếu bạn không yêu quý con dâu lắm thì cũng không nên tỏ thái độ đó vì sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của con trai mình và tình cảm mẹ con. Đó là chưa kể ngay cả những bà đi "tìm vợ" cho con mà sau cũng chẳng hợp nhau.

Khi vợ chồng con mâu thuẫn, cãi nhau, mẹ chồng tránh bênh con trai, và không nên nói con trai bạn tuyệt vời như thế nào dù trong thâm tâm các bà mẹ thường hay nghĩ thế. Tuy nhiên bạn nên dành nhiều thời gian cho cháu nếu có thể, vì điều đó cũng đem lại niềm vui cho bạn. Bạn cũng đừng trông chờ con dâu coi mình như mẹ của nó, bởi nó đã có mẹ rồi. Nếu muốn tình mẹ con thân mật, bạn có thể rủ con dâu cùng đi đâu đó như đến chơi nhà họ hàng hay đi siêu thị.

Bạn hãy nhớ rằng, bạn nhiều tuổi gấp đôi con dâu và có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Bởi thế bạn hãy độ lượng với sự non nớt, vụng dại của nó. Tốt nhất, bạn hãy trở thành người bạn lớn tuổi của con dâu.

 “Thực tế cho thấy, bạn gái trẻ ngày nay hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề khoa học tự nhiên, nhưng lại ít quan tâm đến các vấn đề xã hội, đặc biệt là các ứng xử trong gia đình phía bên chồng. Chính sự mất cân đối này nên các nàng dâu rất cần có được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ phía các bà mẹ chồng để họ có thể ngày càng trưởng thành, hoàn thiện hơn”.



(Theo Trịnh Trung / TTT)

7 bí quyết về hưu hạnh phúc

Ðối với một số người, việc chuyển tiếp qua tuổi về hưu diễn tiến khá êm đềm. Trái lại, một số khác cảm thấy khó khăn, không biết họ đã thực sự rời bỏ cuộc sống hoạt động để bước chân vào giai đoạn an nhàn của tuổi về hưu chưa? Sau đây là vài nét giúp cho người về hưu cảm thấy hạnh phúc với những năm tháng được xem là tuổi vàng này.
  Có sức khỏe. 
Theo phân tích năm 2009, sức khoẻ tốt là yếu tố duy nhất quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc của người về hưu. Gần 50% số người thiếu sức khoẻ trong tuổi hưu được ghi nhận không có hạnh phúc, vượt qua các yếu tố tiền bạc và tuổi tác.

Có đôi lứa.
Cùng cuộc nghiên cứu này cho thấy người hưu trí có đôi bạn hoặc sống chung với ai đó hạnh phúc hơn những người sống lẻ loi. Tốt nhất khi cả đôi cùng nghỉ hưu một lúc. Báo cáo cho thấy những đôi này hạnh phúc hơn những đôi còn nửa kia của mình vẫn đang đi làm.

Bạn hữu.
Cuộc nghiên cứu cũng phát hiện đối với người về hưu, bạn bè quan trọng cho hạnh phúc hơn là con cái. Những ai có giao tình bằng hữu rộng rãi có 30% cơ may hạnh phúc hơn những người không có bạn. Con cái hay cháu chắt không ảnh hưởng mấy đối với mức độ hài lòng của người hưu trí.

Không nghiện coi truyền hình.
Khi về hưu, thời giờ trống trải khá nhiều. Nếu bạn muốn hạnh phúc trong thời khoảng này của cuộc đời, đừng bỏ quá nhiều thì giờ cho truyền hình. Kết quả cuộc nghiên cứu do viện nghiên cứu công bố năm 2005 cho thấy những người mê xem TV quá độ không có sự thỏa nguyện trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu tại đại học Maryland có cùng kết luận này trong một phúc trình năm 2008: số giờ người hưu trí coi TV có tương quan tiêu cực với mức độ hạnh phúc của họ. Người không cảm thấy hạnh phúc tìm đến TV nhiều hơn người có hạnh phúc.

Dành thời gian để đọc những cuốn sách hay. Một cuốn sách hay sẽ giúp chúng ta gặt hái thêm những  kiến thức quý báu, khám phá những giá trị mới bổ ích cho bản thân đồng  thời tâm hồn mình cũng được tĩnh lặng và thanh thản hơn. Hơn nữa, mỗi  khi đọc sách chúng ta có cơ hội luyện tập trí não của mình vì sách luôn  mang đến cho chúng ta trí tưởng tượng phong phú hơn phim ảnh, truyền  hình. Những người đọc sách thường xuyên sẽ cảm thấy hài lòng hơn và luôn  thấy cuộc sống mới mẻ, tươi đẹp vì với họ, mỗi quyển sách sẽ mở ra  trước mắt ta một chân trời mới.

Có sự tò mò về trí tuệ.
Ngươì trên 70 tuổi chọn các thú giải trí có tích cách khích động trí não hơn là nằm hay ngồi dán mắt vào TV, có tỷ lệ 2 lần rưỡi ít hơn bị nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ. Xa lánh TV không những giúp bạn hạnh phúc hơn mà còn giúp bạn khoẻ mạnh hơn và khi bạn có sức khỏe, bạn sẽ hạnh phúc. Cái vòng tròn này có tính cách nhân quả.

Thoát khỏi ám ảnh quá khứ.
Bạn càng gắn bó nhiều với địa vị và những thành tựu quá khứ, bạn càng khó thích nghi với cảnh đời không còn những thứ này. Tâm lý cột chặt mình với vinh quang quá khứ khiến cho chặng đường chuyển qua tuổi hưu trí khó khăn vô cùng.

Có đủ tiền.
Tất nhiên bạn cần có đủ tiền để thực hiện được phong cách về hưu mà bạn lựa chọn. Tuy nhiên, có nhiều tiền hơn sẽ không làm bạn có thêm hạnh phúc. Cuộc nghiên cứu Watson Wyatt cho thấy rằng tổng số tiền bạn dành cho tuổi hưu trí không quan trọng bằng cái cách so sánh lợi tức của bạn trước và sau khi về hưu. Nếu thu nhập của bạn bảo đảm để bạn có cuộc sống như lúc chưa về hưu thì nghĩa là bạn có đủ.

Nếu bạn thiếu những nét cần thiết cho một thời gian nghỉ hưu hạnh phúc thì hãy chớ nên thất vọng. Có giải pháp tốt cho bạn trong mọi trường hợp. Hãy thử vừa nghỉ hưu vừa có việc làm thêm chút đỉnh. Các nhà nghiên cứu thuộc viện đại học Maryland thấy rằng những người hưu trí trở lại làm việc toàn hoặc bán thời gian, có sức khỏe tốt hơn. Lợi lạc này không tùy thuộc số giờ bạn làm nhiều hay ít. Ngay cả những công việc tạm bợ cũng có cùng tác động tích cực trên sức khỏe của bạn. Nếu bạn không tìm được công việc có trả lương, đừng bận tâm. Thực tế chứng minh những người hưu trí làm việc thiện nguyện cũng gặt hái cùng kết quả tốt cho sức khỏe, hạnh phúc và tuổi thọ. Và, bởi vì một quãng đời hưu trí hạnh phúc luôn đi kèm với sức khỏe, bạn hãy chuẩn bị tư thế để an hưởng cả hai đại nguyện ấy lúc bước vào tuổi già.

Nhu cầu giải trí của người lớn tuổi

Giải trí là làm những việc nhẹ nhàng nào đó để đầu óc thư dãn, cơ thể bớt mệt mỏi, tinh thần được thêm phần thoải mái, vui vẻ.
Trước đấy các cụ ta vẫn nói về hưu là thời kỳ quy ẩn, vui thú điền viên. Các cụ thư giãn với công việc trồng hoa, nuôi chim, làm cây cảnh hoặc “ngao du sơn thuỷ” thăm viếng bạn bè, quyến thuộc gần xa. Các cụ gặp nhau đánh cờ giao lưu, trà dư tửu hậu, bàn chuyện năm châu bốn bể.
Ngày nay lại còn nhiều thú tiêu khiển khác mà quý bác có thể tham gia, như là:
– Tiểu công nghệ tạo ra các sản phẩm nhỏ bé nhờ bàn tay khéo léo kinh nghiệm của các bác, như đồ chơi trẻ em, đồ gốm, vật dụng bằng gỗ… Các đồ chơi này có thể là nguồn lợi tức thêm cho ngân sách gia đình hoặc mang bán để gây quỹ từ thiện, giúp người nghèo khó. Hiện nay, có nhiều lớp hướng dẫn để các bác làm công việc này.
– Học vẽ, sử dụng máy vi tính, học chơi một nhạc khí nào đó hoặc tham gia nhóm ca hát tại cơ sở tôn giáo, tổ chức nhân dân. Ở tuổi cao, sử dụng máy vi tính giúp ta tìm đọc nhiều loại sách quý mà không cần tới thư viện, hiểu biết diễn biến nhiều sự việc xảy ra khắp nơi trên thế giới, giúp ta liên lạc với bạn bè qua những lá thư điện tử.
– Tập luyện dưỡng sinh với nhiều phương pháp khác nhau, nhưng có chung mục đích là thư giãn tâm hồn, tập trung tư tưởng, giữ tâm thân an lạc, loại bỏ nhiễu ý đồng thời cũng áp dụng các cử động để tăng cường sức mạnh cơ bắp, uyển chuyển trơn tru xương khớp.
– Khiêu vũ, múa đôi cũng đang được nhiều bác ưa thích, vừa để thư giãn tâm hồn trong điệu nhạc và cũng dẻo dai đôi chân, uyển chuyển thân hình, giảm béo, hạ huyết áp, đường huyết, cholesterol.
– Tổ chức tham quan di tích lịch sử, phong cảnh quê hương hoặc du lịch xứ lạ để biết thêm phong tục tập quán đất nước quê người.
– Tình nguyện tại trường học để truyền đạt kinh nghiệm đời sống, việc làm cho con cháu cũng như kể lại nguồn gốc lịch sử tiền nhân, duy trì văn hoá, truyền thống hào hùng dân tộc.
– Làm vườn, trồng cây cảnh, vun tưới mấy luống rau thơm cũng là thú tiêu khiển thanh nhã, thoải mái mà lại tạo thêm cảnh quang đẹp mắt cho ngôi nhà mà đôi vợ chồng già đang ở.
– Người có tâm hồn văn học nghệ sĩ thì làm thơ, viết sách, học đàn học hát ca vui ngày tháng với bạn bè, quyến thuộc. Phát minh karaoke vào cuối thế kỷ vừa qua đã giúp con người giao lưu với con người một cách cởi mở, vui nhộn qua việc vô tư “hát cho nhau nghe” dù hay dù dở, miễn là cùng vui.
– Rồi lại còn đi câu cá, đánh cờ, chơi domino, ô chữ và nhiều thú vui nhẹ nhàng bổ ích khác.
Tuổi già trí óc thường cũng hay xáo trộn, nhớ trước quên sau, ù lì trì trệ. Nếu không năng dùng tới các chức năng cơ thể thì e rằng sẽ rơi vào tình trạng “thối lui”, cô lập rồi buồn phiền, gắt gỏng, biếng ăn mất ngủ, sức khoẻ suy dần. Cho nên, hãy lấp đầy khoảng trống thời gian với các sinh hoạt trò chơi hữu ích để tránh nhàm chán mà lại có lợi cho sức khoẻ.
Nguồn : Bacsi.com

Đà Lạt 2008





Phan Thiết Mũi Né 2008 - resort CANARY




Huân chương kháng chiến - Ông nội



Hiểu đời - Tâm sự tuổi già (Chu Dung Cơ, Lê Thanh Dũng dịch)

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.


Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì.

Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi.. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”

Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc,cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sông, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà`cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ôm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.
Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm.

Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao.. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.

Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên.

Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao,
Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình..

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già, tâm không già, thế là già mà không già;
Tuổi không già, tâm già, thế là không già mà già.
Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)
Người khôn phòng bệnh , chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống..
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ,
ốm mới khám chữa bệnh….. Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chua đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống.

Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được,
Quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi.
Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn.